Thứ Bảy, 2 tháng 6, 2012

Lưu ý khi sử dụng thuốc thông thường




Lạm dụng thuốc nhỏ mũi làm ngạt mũi nặng hơn

Để giảm bớt sự khó chịu do chứng ngạt mũi đem lại, nhiều bệnh nhân nhỏ thuốc naphazolin và thấy đỡ hẳn. Từ đó, hễ bị ngạt là họ nhỏ thuốc thường xuyên, lâu dần gây nhờn hoặc lệ thuốc thuốc. Nếu không nhỏ, mũi càng ngạt hơn trước.

Naphazolin ( tên biệt dược:RHINEX) là một loại thuốc co mạch mạnh có tác dụng tại chỗ. Khi mũi tắc, chỉ cần nhỏ thuốc là mũi thông ngay. Điều này dễ gây lạm dụng thuốc mỗi khi bị cảm cúm nhẹ gây ngạt mũi. Nếu nhỏ một vài lần và cách xa nhau thì vô hại nhưng nếu dùng lâu, niêm mạc mũi do thiếu sự tưới máu cần thiết sẽ trở nên bị phù nề, các cuốn mũi bị quá phát, gây nghẹt mũi.
Naphazolin mỗi khi tiếp xúc với niêm mạc mũi sẽ lập tức gây co mạch mạnh, làm mũi thông thoáng, nhưng tiếp đó lại có hiện tượng "dồn máu trở lại" làm tắc mũi, đòi hỏi phải nhỏ tiếp. Mặt khác, niêm mạc mũi sau nhiều lần nhỏ thuốc sẽ bị phù nề, trở thành kém nhạy cảm đối với thuốc nên đòi hỏi phải nhỏ nhiều thêm, gây ra cái vòng luẩn quẩn khiến người bệnh không rời bỏ được thuốc và ngày càng phải tăng thêm số lần cũng như lượng thuốc nhỏ.
Muốn điều trị có kết quả, bệnh nhân phải ngừng ngay hoặc từng bước ngừng việc nhỏ mũi bằng naphazolin. Để đối phó với triệu chứng nghẹt mũi, bạn có thể châm hoặc day huyệt nghinh hương ở hai bên cánh mũi (có tác dụng làm đỡ nghẹt). Ở tư thế nằm, mũi dễ tắc hơn do máu dễ dồn lên đầu. Vì thế buổi tối trước khi đi ngủ, bạn nên hoạt động thể dục hoặc đi bộ để máu được phân bố điều hòa cho các bộ phận, sẽ dễ ngủ hơn.


Ngoài ra, bạn nên đến khám bệnh ở một cơ sở chuyên khoa tai mũi họng có trang bị tốt để được chẩn đoán chính xác. Nếu đúng là viêm mũi mạn tính với cuốn mũi phình to do quá phát niêm mạc, thầy thuốc chuyên khoa có thể giúp bạn dễ thở hơn bằng các kỹ thuật giản đơn (như bẻ cuốn mũi, đốt cuốn mũi bằng điện hoặc laser) trước khi phẫu thuật cắt bỏ phần quá phát của cuốn mũi (nếu cần thiết).
GS Phạm KimSức Khỏe & Đời Sống

Chất chống nghẹt mũi trong thuốc cảm có thể gây nguy hiểm

Nên thận trọng khi dùng bất cứ loại thuốc nào.

Gần đây, một số người bị sốc sau khi dùng thuốc cảm có phenylpropanolamin, như Rhumenol D500. Bộ Y tế cho biết, chất này có thể gây một số tác dụng phụ nguy hiểm như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não nên các biệt dược chứa nó đã bị ngừng cấp số đăng ký từ năm ngoái.

Tại Việt Nam, phenylpropanolamin (PPA) được sử dụng trong các loại thuốc cảm cúm với mục đích chữa triệu chứng nghẹt mũi. Trong mấy năm gần đây, Cục Quản lý dược đã nhận được báo cáo về một số trường hợp có phản ứng không mong muốn sau khi dùng chất này. Ngoài các trường hợp bị sốc, tăng mạnh huyết áp... được ghi nhận tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai còn có những ca bị nổi mề đay, phù (toàn thân hoặc mi mắt, miệng), đỏ da... tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP HCM. Nhiều người trong số họ chỉ dùng đúng liều hướng dẫn và trước đó không có vấn đề gì về tim mạch hay nội tiết.
Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý dược Cao Minh Quang, cho biết, Cục đã có thông tin về tác hại của PPA từ 4 năm trước. Tháng 11/2000, một nghiên cứu của Đại học Y khoa Yale cho thấy PPA có liên quan đến các ca tai biến mạch máu não (chảy máu não, màng não) ở những người dùng thuốc giảm cân chứa hoạt chất này. Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ đã đề nghị các công ty dược phẩm ngừng lưu hành các thuốc giảm cân chứa PPA, đồng thời thông báo cho công chúng về phản ứng phụ của chúng.
Việt Nam chưa cấp phép lưu hành cho thuốc giảm cân chứa PPA. Chất này chỉ được dùng phối hợp trong các biệt dược chữa cảm. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý dược vẫn ra công văn quy định: không dùng các thuốc chứa PPA vào mục đích giảm cân. Đối với thuốc cảm chứa PPA, tờ hướng dẫn sử dụng phải ghi rõ các chống chỉ định (cao huyết áp, đau thắt ngực, huyết khối mạch vành, cường giáp, tiểu đường, có tiền sử tai biến mạch máu não). Thực tế đã chứng minh động thái này không thừa: nhiều người đã phải cấp cứu sau khi dùng thuốc cảm cúm chứa PPA.
Cũng theo văn bản trên, khi cần sử dụng những thuốc chứa PPA với liều cao hơn 25 mg, bệnh nhân cần có chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc. Tuy nhiên, các loại thuốc cảm đang phổ biến trên thị trường thường có lượng PPA trong mỗi viên thuốc xấp xỉ hoặc cao hơn con số này (ở Rhumenol D500 là 30mg/viên), trong khi liều hướng dẫn là 1-2 viên. Nếu theo đúng khuyến cáo trên thì ngay cả khi uống một viên, bệnh nhân cũng phải xin chỉ định của bác sĩ; trong khi loại thuốc này lại không nằm trong danh mục kê đơn, bệnh nhân có thể tự mua về dùng. Ít ai nghĩ đến chuyện hỏi bác sĩ vì việc xin chỉ định và hướng dẫn khi dùng liều trên 25 mg không bị buộc ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng.
Bác sĩ Hoàng Thanh Mai, chuyên viên Cục Quản lý dược cho biết, những năm gần đây, trên thế giới có nhiều nước đã ngừng lưu hành sản phẩm chứa PPA hoặc có những hướng dẫn sử dụng một cách hạn chế. Các chuyên gia khuyến cáo không nên dùng thuốc chứa chất này cho đến khi có báo cáo đánh giá đầy đủ về nó. Trước tình hình đó, vào tháng 2/2003, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định không cấp số đăng ký mới hoặc đăng ký lại cho những sản phẩm chứa PPA. Những thuốc đã đăng ký sẽ được phép lưu hành đến khi số đăng ký hết hiệu lực (5 năm).
Bà Mai cũng cho biết, khi nhận được thông tin về các trường hợp bị sốc sau khi dùng thuốc cảm Rhumenol D500 ở Bệnh viện Bạch Mai, Cục đã yêu cầu nhà sản xuất giải trình về việc này và nhận được lời hứa sẽ điều tra để có báo cáo trong thời gian ngắn nhất. Cục cũng đã yêu cầu các đơn vị, nhất là cơ sở điều trị, phát hiện các trường hợp có tác dụng không mong muốn do thuốc cảm chứa PPA và gửi báo cáo về Cục.
Ông Phạm Duệ, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, cơ sở này đang tiến hành một nghiên cứu về tác dụng phụ của thuốc cảm cúm chứa PPA. Đây là nhánh của một đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Dự kiến trong năm 2005, nghiên cứu này sẽ hoàn tất.
Thanh Nhàn


Câu chuyện về Paracetamol (acetaminophen)

Tác giả : DS. NGUYỄN BÁ HUY CƯỜNG (Australia)

Sau hơn 100 năm "làm mưa làm gió" trên thị trường thuốc giảm đau, bắt đầu từ thập niên 1960, Aspirin đã phải "thoái vị" và nhường ngôi lại cho Paracetamol. Paracetamol được nhiều người ưa thích vì tỏ ra có nhiều lợi điểm hơn Aspirin. Thế nhưng đến nay, câu chuyện về Paracetamol vẫn là một vấn đề còn tiếp tục gây tranh cãi.

CÓ PHẢI THẦN DƯỢC "XOA DỊU NỖI ÐAU"?

Tại Úc, Paracetamol luôn giữ ngôi vị "độc tôn" trong các thuốc giảm đau. Paracetamol có nhiều tên thương mại khác nhau và trong đó có những biệt dược đã đi vào "huyền thoại", như Panadol, Panamax, Tylenol, Dymaton... Trong năm 2001, người trưởng thành ở Úc đã uống hơn 1 tỷ viên Paracetamol. Ðấy là chưa tính tới 406 triệu viên mà Paracetamol được trộn chung với Codeine hoặc các loại thuốc khác và 7 triệu viên do bác sĩ kê toa. Riêng trẻ em Úc đã tiêu thụ hơn 4 triệu liều Paracetamol dành cho trẻ em.
Sỡ dĩ Paracetamol bán chạy như "tôm tươi" vì nó được người ta biết đến như một trong những loại thuốc giảm đau an toàn và hiệu quả nhất, tin rằng Paracetamol không làm hại bao tử cũng như không có những biến chứng nguy hiểm như phần nhiều các loại thuốc giảm đau khác. Bởi vậy mỗi khi nhức đầu, nhức răng, đau họng, nhức mỏi, thậm chí khi bị thấp khớp, nóng sốt... người ta thường tự chữa bằng Paracetamol. Thuốc lại vừa rẻ tiền, dễ mua, có thể tìm thấy ở bất cứ siêu thị hoặc tiệm thuốc tây nào trên toàn nước Úc.

COI VẬY MÀ... KHÔNG PHẢI VẬY!

Tuy nhiên những đặc tính "ăn tiền" kể trên chỉ là "bề nổi". Trong những năm gần đây, người ta ngày càng quan ngại về những mặt trái của Paracetamol. Dẫn chứng qua số người nhập viện vì Paracetamol ở tiểu bang Victoria từ năm 1998-2001 đã tăng gấp 4 lần. Theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu tai nạn của ÐH. Monash (Monash University?s Accident Research Center) thì những người ở độ tuổi trưởng thành nhập viện vì Paracetamol cao hơn những người nhập viện vì sử dụng ma túy quá liều gấp 5 lần. Ðối với trẻ em, có 127 trường hợp dùng Paracetamol quá liều phải đưa vào bệnh viện Royal Children?s Hospital.
Cần sử dụng thuốc giảm đau đúng liều lượng. Như đối với người lớn, liều thông thường của Paracetamol không nên quá 3g/ngày (mỗi lần 500-1.000mg, 3 lần/ngày). Riêng đối với người cao tuổi nên dùng liều thấp hơn do chức năng gan kém. Thời gian dùng Paracetamol không quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
Sau khi dùng thuốc giảm đau, nếu tình trạng đau không cải thiện hoặc tái phát, nên đến bác sĩ khám bệnh.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét